Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Tin tức ngành y - khám chữa bệnh

Tin tức ngành y - khám chữa bệnh

Thầy thuốc, bệnh nhân và những sự cố: Đi tìm hành lang pháp lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bs Nguyễn Hữu Tùng - tổng thư ký Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM - nói mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là vấn đề xã hội bức xúc từ lâu. Việc phòng bệnh kém làm gia tăng tình trạng quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng bệnh viện xuống cấp, thầy thuốc phải làm việc quá sức...

Quá tải và thiếu “chuẩn”

Bác sĩ ở nước ngoài được 15 phút khám bệnh, tư vấn, nâng cao kiến thức y học cho bệnh nhân. Họ có thời gian giúp bệnh nhân biết nguyên nhân vì sao bệnh, cách xử lý ra sao, phòng bệnh thế nào để không bị tái phát... Nếu ở VN bệnh nhân được khám 15 phút, một ngày tám tiếng làm việc mỗi bác sĩ chỉ khám được 32 ca.

Trong khi nhiều bệnh viện ở TP và cả nước mỗi ngày phải khám 2.000-4.000 bệnh nhân, nhiều bệnh viện phải mổ 100-120 ca/ngày. Các bệnh viện cần bao nhiêu phòng khám, phòng mổ, bao nhiêu bác sĩ để khám, để mổ? Không đủ nhân lực, không đủ hạ tầng cơ sở, trang thiết bị... nhưng vẫn phải tiếp nhận khám chữa bệnh quá mức, quá khả năng dẫn đến xung đối giữa thầy thuốc và bệnh nhân ngày càng nhiều. Sự xung đối này âm ỉ từ lâu khiến cả hai bên cùng chịu nhiều áp lực, thiệt thòi.


BS Nguyễn Hữu Tùng - Ảnh. L.Th.H.

Dù đứng về phía ai, bệnh nhân hay thầy thuốc đều có những nỗi niềm. Quản lý xã hội thì không thể chi phối bởi nỗi niềm mà phải bằng thể chế. Thể chế đó phải rất rõ ràng, đó là luật hành nghề cho thầy thuốc và luật bệnh nhân.

Lỗi hệ thống còn thể hiện đến nay ngành y vẫn chưa có đầy đủ và cập nhật các phác đồ, quy trình chẩn đoán và điều trị cho từng loại bệnh. Bệnh viện cũng chưa có hệ thống quản lý rủi ro, quản lý an toàn, làm vừa lòng người bệnh... Những phác đồ, quy trình này phải được viết ra, được công nhận, chấm điểm, được kiểm tra hằng ngày.

Một báo cáo khoa học ở Mỹ cho thấy năm 2009 vừa qua, tai biến y khoa ở nước này làm chết 100.000 người. Mỹ thống kê được con số này vì họ có quy trình quản lý tai biến, rủi ro. VN chưa xác lập, thống kê được vì chưa có chuẩn quản lý những rủi ro này.

Cũng vì chưa có chuẩn cụ thể khi hành nghề nên không thể phủ nhận một thực tế không ít bác sĩ ngoại khoa thường nói nhiều về thành công hơn là thất bại của ca mổ. Đa số bác sĩ nói rủi ro ít, thậm chí nói rất nhẹ hoặc chỉ nói lướt qua vì sợ bệnh nhân nghe rồi sợ và bỏ đi. Có bác sĩ còn đẩy tỉ lệ rủi ro xuống thấp hơn y văn. Họ không nói hết những rủi ro vì ca mổ có thể đem lại cho họ quyền lợi vật chất, danh dự, uy tín hoặc đem lại sự thỏa lòng đam mê được mổ những ca khó, được cứu bệnh nhân. Những nhà quản lý bệnh viện cũng sợ mất bệnh nhân nên chưa xây dựng quy trình tư vấn cho thầy thuốc khi tiếp xúc, giải thích với người bệnh.

Chỉ mới xử bằng “tình”

Dư luận xã hội cũng như cơ quan quản lý đều thấy ngành y còn nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất là phục vụ người bệnh chưa tốt. Điều bệnh nhân phàn nàn nhất là thái độ tiếp xúc và sự đối xử của thầy thuốc. Nét mặt, thái độ, lời nói của nhân viên y tế nhiều lúc chưa được đàng hoàng, chưa tôn trọng bệnh nhân.

Tuy nhiên, xã hội cũng phải nhìn nhận những cống hiến của thầy thuốc. Các bệnh viện mỗi ngày khám chữa bệnh cho hàng triệu lượt bệnh nhân trên cả nước. Tai biến một số ca nào đó xảy ra là rất thấp so với những gì thầy thuốc làm được. Thường những gì thầy thuốc làm được không được đặt lên bàn cân. Còn những rủi ro, tai biến cho người bệnh khi thầy thuốc hành nghề lại được cân một phía. Tất yếu bàn cân “tai biến” bị trì xuống và dư luận xã hội phản ứng rất khủng khiếp với ngành y.

Trong tất cả các sách vở y khoa, trang đầu của sách bao giờ cũng có câu “Y khoa là ngành khoa học không chắc chắn”. Không như toán học, vật lý, y khoa là ngành khoa học thực nghiệm, lấy những kinh nghiệm của người đi trước để làm tốt hơn cho người bệnh. Không thầy thuốc nào dám chắc chắn mình có thể làm được tất cả mọi thứ.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thầy thuốc chủ quan khi hành nghề. Họ có thể chủ quan vì ham mê nghề nghiệp, chủ quan cho mình đã lĩnh hội được tất cả kiến thức, chủ quan rằng bàn tay, khối óc của mình có thể làm được việc đó. Có khi chủ quan vì thiết tha mong muốn có được danh dự, uy tín trước mặt bệnh nhân nên họ nói với bệnh nhân là mình làm được.

Cả ngành y tế đều thấy thầy thuốc luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp, nhưng vẫn chưa có những giải pháp hợp lý, hợp tình. Khi xảy ra sự cố thường bệnh viện sử dụng cái tình là kêu gọi sự thông cảm của bệnh nhân chứ chưa dùng đến lý. Ở nhiều nước, họ dựa trên quan điểm “bệnh nhân là trên hết” để xây dựng hẳn một luật riêng cho người bệnh. Họ cũng có hẳn luật hành nghề để bảo vệ quyền lợi chính đáng của thầy thuốc. Gần đây nước ta mới có Luật khám, chữa bệnh nhưng đến 1-1-2011 mới có hiệu lực. Luật này có quy định những điều khoản bảo vệ bệnh nhân nhưng quy định bảo vệ thầy thuốc còn bỏ ngỏ.

Phải dùng luật

Cả ba người: bệnh nhân, thân nhân và bác sĩ lúc đầu cùng hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân. Đã cùng một mục tiêu sẽ cùng chiến đấu trên một chiến tuyến. Nhưng vì sao sau đó họ lại trở thành đối mặt?

Những vụ việc khiếu kiện bệnh viện kéo dài báo Tuổi Trẻ đặt ra là do chưa có hành lang pháp lý. Hiện chúng ta giải quyết vụ việc mới chỉ bằng tình chứ chưa bằng lý. Do giải quyết bằng tình, hai bên thường chọn giải pháp thương lượng tiền đền bù. Có thân nhân yêu cầu bồi thường vài chục triệu đồng nhưng cũng có người đòi hàng tỉ.

Đền bù bao nhiêu gần như tùy sự thông cảm của thân nhân người bệnh. Việc thương lượng xuất phát từ việc bệnh viện sợ ảnh hưởng tài chính, sợ mất uy tín, sợ tinh thần thầy thuốc sa sút, chán nản. Có khi thân nhân còn đem người bệnh ra “mặc cả” đền bù với bệnh viện. Cách giải quyết theo tình có thể khiến mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân trở thành mối quan hệ mua bán hàng hóa.

Phải có luật hành nghề cho thầy thuốc và luật bệnh nhân mới có thể giải quyết được những vấn đề trên. Hai luật này phải dựa trên những luật hiện có như Luật bảo hiểm y tế, Luật khám, chữa bệnh...Đồng thời dựa trên các tiêu chuẩn quản lý bệnh viện, phác đồ chẩn đoán, điều trị, quy trình phẫu thuật cụ thể, chi tiết do Vụ điều trị quy định, ban hành để xây dựng.

Những phác đồ, quy trình, tiêu chuẩn này được công khai không chỉ cho thầy thuốc mà người bệnh, luật sư đều được biết. Khi đó sẽ không còn thầy thuốc và bệnh nhân đấu chấp với nhau. Luật sư của hai bên chỉ cần đối chiếu các phác đồ, quy trình... xem đúng - sai chỗ nào và căn cứ theo luật hành nghề, luật bệnh nhân để giải quyết. Người bệnh cũng như thầy thuốc khi đó mới hết những áp lực, khủng hoảng, dằn vặt, khổ đau, cảm thấy an tâm khi đi kham chua benh và hành nghề.

Theo BS Nguyễn Hữu Tùng (Tuổi trẻ Online)

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét